Kinh nghiệm quốc tế về quyền tiếp cận của người dân với biển

Quyền tiếp cận của người dân với biển là quyền cơ bản của con người, đây không phải là khái niệm mới. Pháp luật trong thời kì đế quốc La Mã đã có quy định rằng vùng biển, bờ biển, vùng trời và các vùng nước đang chảy là của chung tất cả mọi người.

Ở nước ta, ngày 25 tháng 6 năm 2015 Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, trong đó, tại Điều 23 quy định “Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay ở nước ta khi các hoạt động phát triển tại các vùng ven biển đã được thực hiện sôi động trong thời gian qua. Có thể kể đến như việc xây dựng các resort ven biển tại các tỉnh như Thanh Hóa, Nha Trang, Phú Quốc, v.v.. gây cản trở hoạt động đánh bắt, hay du lịch của người dân.

Ngoài ra, sau khi Luật tài nguyên và môi trường biển, hải đảo được Quốc hội thông qua, ngày 27 tháng 7 năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển. Theo đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành ven biển: Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh, quốc phòng…

Trước  thực tiễn đó, năm 2017, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện trong năm 2017 đã thực hiện nhiệm vụ: “Tổng hợp kinh nghiệm quốc tế về quyền tiếp cận của người dân với biển”. Kết quả thực hiện nghiệm vụ cho thấy:

- Về quy định liên quan đến quyền tiếp cận của người dân với biển: Nhiều nước có những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Tại Mỹ, hầu hết luật pháp của bang đã kết hợp chặt chẽ Học thuyết tín thác công (Public Trust Doctrine) mặc dù có tồn tại sự khác biệt giữa các bang. Mỗi bang chịu trách nhiệm cho việc thực thi hoặc bảo vệ tín thác của mình. Bên cạnh các quy định của liên bang, nhiều bang xây dựng luật của mình để bảo vệ tiếp cận công cộng. Ngoài ra, các bang có thể cung cấp cho công chúng quyền tiếp cận với bờ biển và dọc theo bờ biển thông qua áp dụng các quy tắc sử dụng truyền thống hoặc tập quán như tại Hawaii, Oregon và Texas, cho phép tiếp cận công cộng lâu dài dựa trên mục đích sử dụng bờ biển cổ xưa.

Tại Canada, quyền tiếp cận của người dân với biển được quy định trong Đạo luật bảo vệ vùng nước hải hành của liên bang; Đạo luật đất đai hoàng gia, theo đó, đất đai hoàng gia được coi là tài sản công, để người dân tận hưởng và trải nghiệm trong bối cảnh có các hạn chế nhất định và trong các khu vực được chỉ định cụ thể nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, và để cho phép các hoạt động khác diễn ra theo giấy phép trên đất đai hoàng gia. Đối với các bãi biển là các khu vực ven biển quan trọng mà công chúng mong muốn tiếp cận, quy định tại hai văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến các bãi biển ở Nova Scotia là Đạo luật bãi biển (Beaches Act) và Đạo luật bãi biển và bãi bồi (Beaches and Foreshores Act). 

Tại Anh, các văn bản quy định bao gồm: Đạo luật miền nông thôn và quyền địa dịch 2000 (Countryside and Rights of Way Act 2000); Đạo luật công viên quốc gia và tiếp cận miền nông thôn 1949 (National Parks and Access to the Countryside Act 1949); Đạo luật tiếp cận biển và vùng ven biển 2009. Đặc biệt, Đạo luật 2009 nhằm mục đích cải thiện tiếp cận và hưởng thụ của người dân với bờ biển Anh, cung cấp các quyền tiếp cận an toàn và nhất quán cho người dân để tận hưởng bờ biển thông qua tạo ra một ranh giới đất ven biển có sẵn cho người dân giải trí xunh quanh bờ biển nước Anh. Ranh giới này bao gồm toàn bộ đất đai nằm giữa tuyến đường và biển, có thể mở rộng về phía đất liền.

Tại Nam Phi, Đạo luật Quản lý tổng hợp vùng bờ là một hướng dẫn vững chắc về cung cấp tiếp cận thích hợp và khả năng tiếp cận với vùng bờ. Không có đánh giá vùng bờ nào được hoàn thành mà không kèm theo đánh giá về tiếp cận bờ biển theo các quy định của Đạo luật này. Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về tạo thuận lợi cho tiếp cận bờ biển ở Nam Phi đã cung cấp hướng dẫn chiến lược cho thiết lập và duy trì tiếp cận ven biển ở Nam Phi. Mục tiêu của chiến lược này là “nhằm đảm bảo, bảo vệ và quản lý vĩnh viễn quyền có tiếp cận vật lý với vùng bờ và dọc theo vùng bờ.

Bãi biển ở đảo Martha's Vineyard  thuộc bang Massachusetts  (Ảnh: Debra M. Gaines, Martha's Vineyard Chamber of Commerce. Nguồn: USA Today)

- Về các quy định phạm vi không gian tiếp cận: Tại Mỹ, cách phổ biến nhất mà các bang xác định là dựa trên đường triều cao trung bình nhiều năm (19 năm). Ở hầu hết các bang, toàn bộ đất dưới đường triều cao trung bình thuộc về bang và người dân có quyền tiếp cận không giới hạn với đất đó. Một số bang như Maine, Massachusetts, Pennsylvania và Virginia sử dụng đường triều thấp trung bình nhiều năm. Tại Nova Scotia, Canada, khu vực đất trên bờ biển nằm về phía biển từ mức nước cao trung bình và khu vực đất tiếp giáp trực tiếp về phía đất liền bổ sung khoảng cách được xác định bởi Thống đốc trong Hội đồng. Việc cấp đất chỉ mở rộng đến phạm vi mức nước cao thông thường của thủy triều hoặc đất ven biển. Đất đai nằm giữa mức nước cao vào thấp thông thường của vùng nước ven biển là “đất đai Hoàng gia”. Đối với Anh, Đạo luật 2009 quy định ranh giới đất ven biển bao gồm toàn bộ đất đai nằm giữa tuyến đường giao thông ven biển và mép nước biển, có thể mở rộng về phía đất liền. Tại Nam Phi, đường triều cao trung bình nhiều năm và đường ranh giới thảm thực vật được sử dụng để xác định phạm vi không gian quyền tiếp cận của người dân với biển.

- Về các quy trình, công cụ hay sáng kiến hỗ trợ xác định quyền tiếp cận của người dân với biển: Đây được coi là những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm triển khai các quy định pháp luật về quyền tiếp cận của người dân với biển trên thực tế. Tại Mỹ, nhiều công cụ đã được xây dựng và phát triển. Trong đó phải kể đến cơ sở dữ liệu GIS phục vụ cho theo dõi toàn bộ quyền tiếp cận bờ biển công cộng; phần mềm Định vị trực tuyến các điểm tiếp cận công cộng ven biển; ấn biển Hướng dẫn bờ biển Massachusetts nhằm tăng lượng thông tin sẵn có về các bãi biển có thể tiếp cận công cộng và các hạ tầng giải trí công cộng khác, phục vụ cho bang Massachusetts. Ngoài ra, nhiều công cụ xây dựng bản đồ và trang web về tiếp cận công cộng đã được xây dựng. Tại Canada, các kết quả kiểm kê về các điểm tiếp cận công cộng ven biển trở nên sẵn có cho công chúng là một loại sáng kiến tiếp cận có thể nâng cao kiến thức về tiếp cận ven biển và sử dụng các điểm tiếp cận ven biển. Ở bang Nova Scotia, một số nhóm đã bắt đầu quá trình thu thập thông tin về tiếp cận công cộng ven biển và công khai thông tin trực tuyến. Trang web cung cấp bản đồ tỉnh được liên kết với thông tin về các cảng và bến tàu.

Tại Anh, các quy trình thực hiện cung cấp quyền tiếp cận bờ biển đã được xây dựng và thực hiện, bao gồm các yếu tố chính: xác định các dải ven biển; xây dựng, phát triển quan hệ đối tác; thực hiện quy trình trên mỗi dải bờ biển; duy trì quản lý đường vào ven biển. Quy trình thực hiện trên mỗi dải bờ biển bao gồm 5 giai đoạn: chuẩn bị, xây dựng, đề xuất, xác định và công khai. Đối với Nam Phi, để có được thông tin cơ sở cho việc đánh giá các điểm tiếp cận tiềm năng (ví dụ, cho mục đích bơi lội), các cơ quan chức năng đã sử dụng ma trận đánh giá bãi biển.

 

ThS. Phạm Văn Thịnh

 

  • 10/23/2020 2:51:30 AM